Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

các địa phương muốn đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình

anh-bai-chinh-so-37.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, lộ trình số hóa truyền hình cần có giải pháp đặc thù và chính sách ưu đãi khác nhau theo vùng miền.

Các địa phương muốn đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình

ICTnews - Các đài truyền hình đều đưa ra cam kết sẽ tuân thủ lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, thậm chí còn muốn đẩy nhanh hơn lộ trình mà Chính phủ đặt ra.

>> 2014: Phát cả truyền hình số và analog tại 5 thành phố lớn

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 diễn ra ngày 26/3 tại Hà Nội, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết năm 2010 khi TP HCM dừng phát sóng truyền hình tương tự thì chỉ ảnh hưởng đến chưa đầy 5% hộ gia đình vì 95% các hộ đã sử dụng cáp, vệ tinh và truyền hình số mặt đất của VTC. Thời điểm hiện tại TP HCM có 1,9 triệu hộ gia đình, nhưng có 1,8 triệu thuê bao truyền hình (trong đó có 1,4 triệu thuê bao truyền hình cáp). Như vậy, TP HCM đã đạt trên 95%, có thể tắt truyền hình analog. Ông Lê Mạnh Hà cũng cho biết theo lộ trình đến 31/12/2015 sẽ tắt truyền hình analog tại 5 tỉnh thành phố lớn và yêu cầu các tivi trên 32 inch phải tích hợp các thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình số mặt đất. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay thì hầu hết các hộ gia đình tại các thành phố lớn đều sử dụng truyền hình cáp vì vậy cần phải tích hợp thu truyền hình cáp số, thậm chí cả vệ tinh vào tivi này để tránh lãng phí.

Ông Lê Mạnh Hà cũng lưu ý, hiện nay các tỉnh rất muốn phát trên hệ thống truyền hình của HTV, nhưng nếu không số hóa sẽ không đảm bảo số lượng kênh phát. Hiện tại HTV chỉ phát được 70 – 80 kênh, trong khi đó nhu cầu phát của các tỉnh trên địa bàn thành phố rất lớn. Nếu số hóa truyền hình thì HTV sẽ phát được từ 300 – 600 kênh và như vậy sẽ đủ phục vụ cho các nhu cầu này.

Đồng tình với quan điểm của ông Lê Mạnh Hà, ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng cần có chính sách để các loại tivi phải tích hợp thu truyền hình cáp số, thậm chí cả vệ tinh để tránh lãng phí. Ông Cả cũng đưa ra khó khăn rằng theo lộ trình Quảng Nam sẽ số hóa vào năm 2018 và Đà Nẵng sẽ số hóa vào năm 2015. Thế nhưng 1/3 dân số Quảng Nam đang thu tín hiệu từ đài Đà Nẵng. Như vậy, người dân sẽ không bắt được tín hiệu truyền hình nếu không chuyển đổi thiết bị. Hiện, nếu đầu tư hỗ trợ các hộ nghèo ở Quảng Nam thiết bị giải mã tín hiệu số thì sẽ hết khoảng 30 tỷ đồng. Vì vậy, ông Trần Minh Cả đặt câu hỏi nếu Quảng Nam phấn đấu nhiều giải pháp, trong đó có tuyên truyền, để đạt trên 80% dân số có thiết bị thu tín hiệu số thì địa phương có thể đăng ký về trước quy hoạch hay không? 

Đài Truyền hình Vĩnh Long thì cho rằng sẽ sớm hoàn thành lộ trình số hóa năm 2015 và sẽ phát hoàn toàn miễn phí cho các đài khu vực miền Tây. Đài Truyền hình Vĩnh Long đồng ý với quy hoạch là có 5 doanh nghiệp truyền dẫn vùng, 3 doanh nghiệp làm toàn quốc và cũng sẽ hợp tác với các đài truyền hình trong khu vực để có thể lập công ty cổ phần làm truyền dẫn phát sóng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh từ tháng 6/2013, các đài địa phương có báo cáo với lãnh đạo tỉnh mình tham gia Đề án số hóa này như thế nào như phương án triển khai, kế hoạch hợp tác... Sau đó, các UBND tỉnh, Sở TT&TT, Đài PTTH các tỉnh nên có phiên họp chuyên đề bàn về những khó khăn, giải pháp, hợp tác tham gia Đề án để trình Bộ TT&TT. Từ tháng 6 đến tháng 9/2013, Ban chỉ đạo Đề án số hóa rà soát đăng ký của các địa phương để cuối năm trình quy hoạch về truyền dẫn phát sóng. Phó Thủ tướng còn cho rằng lộ trình số hóa truyền hình cần có giải pháp đặc thù và có chính sách ưu đãi khác nhau theo vùng miền. Việc hỗ trợ cho người dân chuyển đổi thiết bị giải mã tín hiệu số có thể sử dụng Quỹ VTCI, nhưng đồng thời có thể lấy từ nguồn kinh phí của địa phương để đẩy nhanh hơn quá trình số hóa truyền hình.

NT

Nguồn: www.ictnews.vn/GetFiles

t-mobile ngừng áp dụng hợp đồng 2 năm bắt buộc

121003_tmobile_2.jpg

T-Mobile ngừng áp dụng hợp đồng 2 năm bắt buộc

ICTnews – T-Mobile sẽ là hãng viễn thông đầu tiên của Mỹ áp dụng chiến lược không bắt buộc khách hàng phải ký hợp đồng sử dụng dịch vụ 2 năm khi mua smartphone mới. Chiến lược này được cho là sẽ giúp T-Mobile cạnh tranh hơn so với các nhà mạng khác.

Theo đó, khách hàng của T-Mobile sẽ có 2 lựa chọn: vẫn ký hợp đồng 2 năm như trước, hoặc không cần ký bất kỳ hợp đồng nào. Chẳng hạn, khách hàng mua điện thoại Galaxy S3 (giá 549,99 USD) từ T-Mobile có thể thanh toán toàn bộ số tiền 549,99 USD ngay từ đầu và không phải ký hợp đồng với nhà mạng, hoặc chỉ trả trước 109,99 USD, sau đó trả góp 20 USD/ tháng trong vòng 24 tháng. Người mua Galaxy S2 không phải trả tiền trước, nhưng sẽ phải thanh toán 16 USD/ tháng trong vòng 24 tháng. Hết 24 tháng đó, người dùng sẽ được toàn quyền sở hữu thiết bị.

Mô hình mới của T-Mobile khác so với mô hình ký hợp đồng/trợ giá truyền thống ở chỗ: Theo mô hình cũ, nhà mạng không tách tiền trả góp điện thoại với hóa đơn hàng tháng. Chính vì thế, khi kết thúc hợp đồng hai năm, mặc dù khách hàng đã trả đủ số tiền mua điện thoại, nhưng cước dịch vụ hàng tháng của họ vẫn không giảm xuống.

Theo mô hình mới, khoản tiền trả góp sẽ được tách rời khỏi cước hàng tháng. Sau khi khách hàng thanh toán đủ tiền mua điện thoại, khoản phí này sẽ được xóa khỏi hóa đơn hàng tháng. T-Mobile sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 26/3 (giờ Mỹ) để giải thích thêm về mô hình mới.

T-Mobile hiện đang làm nhà mạng di động lớn thứ 4 tại Mỹ. Những thay đổi trên nằm trong kế hoạch chuyển đổi mà CEO John Legere của T-Mobile đã nhắc đến tại triển lãm CES 2013, nhằm giúp T-Mobile cạnh tranh tốt hơn với các nhà mạng đối thủ khác.

Kể từ ngày 24/3/2013, T-Mobile đã thay đổi cơ chế giá của các gói cước cho khách hàng cá nhân với ba lựa chọn: 500MB (50 USD/ tháng), 2GB (60 USD), và không giới hạn (70 USD).

Phạm Duyên

Theo Cnet

Nguồn: www.ictnews.vn/GetFiles

2014: phát cả truyền hình số và analog tại 5 thành phố lớn

1.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

2014: Phát cả truyền hình số và analog tại 5 thành phố lớn

ICTnews - Theo lộ trình đến năm 2015, sẽ dừng phát truyền hình analog tại 5 thành phố lớn, vì vậy các đài truyền hình phải phát song song analog và truyền hình số từ năm 2014.

Xu hướng không thể đảo ngược

Ngày 26/3/2013, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, giờ đây chúng ta bắt đầu việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất theo xu thế chung của thế giới. Truyền hình là phương tiện truyền thông có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống kinh tế - xã hội và được nhân dân sử dụng một cách phổ biến. Số lượng người sử dụng còn nhiều hơn cả viễn thông. Việc áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng số hóa và số lượng dịch vụ có ý nghĩa rất lớn trong toàn xã hội.

"Xu hướng số hóa khâu truyền dẫn phát sóng là xu thế phổ biến trên toàn thế giới và là xu hướng không thể đảo ngược trong tình hình CNTT ngày càng phát triển. Rất nhiều nước đã chuyển đổi thành công sang truyền hình số và ngừng phát sóng tương tự trên toàn quốc. Điều này mang lại diện mạo mới cho truyền hình mặt đất với nhiều kênh truyền hình chất lượng tốt hơn so với truyền hình tương tự và đóng góp ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và nhu cầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ. Mục đích là nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh, chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.

Đề án số hóa còn từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao (như HDTV, 3DTV,…); hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất để thu hút các nguồn lực xã hội; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, mục tiêu cụ thể của Đề án số hóa truyền hình mặt đất là đến năm 2015 đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân số. Đến năm 2020, đảm bảo 100% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư. 

Nhà nước sẽ hỗ trợ thiết bị cho dân nghèo

Vẫn theo ông Đoàn Quang Hoan, số hoá truyền hình không chỉ là chuyện chuyển đổi công nghệ vì nó ảnh hưởng đến toàn xã hội. Việc chuyển đổi này không chỉ là sự đầu tư của doanh nghiệp, mà người dân sẽ phải đầu tư thêm bộ giải mã số. Đối với những hộ nghèo, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ các thiết bị (dự kiến sẽ hỗ trợ người dân mua bộ giải mã số từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích và tiền thu được từ việc đấu giá tần số trong thời gian tới).

Ông Đoàn Quang Hoan cho hay, theo quy hoạch các đài truyền hình tập trung làm nội dung và sẽ có các công ty khác thực hiện truyền dẫn phát sóng. Vì vậy, các đài truyền hình phải sắp xếp lại bộ máy từ bây giờ để chuẩn bị cho mô hình mới. Việc tắt truyền hình anolog để chuyển sang số không phải là riêng rẽ mà phải có lộ trình phát song song để người dân chuyển đổi. Theo lộ trình, đến năm 2015 sẽ dừng phát truyền hình analog tại 5 thành phố lớn, do đó các đài truyền hình phải phát song song analog và truyền hình số từ năm 2014.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: từ tháng 6/2013, các đài địa phương phải báo cáo với lãnh đạo tỉnh là sẽ tham gia Đề án số hóa này như thế nào (phương án triển khai, kế hoạch hợp tác...). Sau đó, các UBND tỉnh, Sở TT&TT, Đài PTTH các tỉnh nên có phiên họp chuyên đề bàn về những khó khăn, giải pháp, hợp tác tham gia Đề án để trình Bộ TT&TT. Từ tháng 6 đến tháng 9/2013, Ban chỉ đạo Đề án số hóa rà soát đăng ký của các địa phương để cuối năm trình quy hoạch về truyền dẫn phát sóng.

Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đề nghị UBND các tỉnh tập trung xây dựng phương án đổi mới sản xuất kinh doanh của các Đài PTTH, sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn phát sóng của các Đài PTTH trong cả nước và khu vực để báo cáo Bộ TT&TT. Bộ TT&TT xem xét việc cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ cho một số doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng PTTH trên cả nước và khu vực dựa trên cơ sở các phương án, đề án của các tỉnh đã báo cáo. Các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ TT&TT tiếp tục xây dựng cơ chế tài chính, chính sách, giải pháp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu tư, thiết bị truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất.

Đối với các doanh nghiệp hạ tầng truyền dẫn phát sóng, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề nghị các đơn vị, đặc biệt là 3 đơn vị lớn VTV, VTC, AVG đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất đồng bộ. Theo Thứ trưởng, trước mắt cần tập trung thực hiện số hóa truyền hình ở một số địa phương trong 5 tỉnh Trung ương và một số tỉnh để rút kinh nghiệm, sau đó mới triển khai tại các tỉnh khác. Đề nghị các tỉnh tùy theo điều kiện của mình có thể đăng ký tham gia vào kế hoạch số hóa trước thời điểm trong quy hoạch đã đề xuất.

Lộ trình số hóa truyền hình đến năm 2020

Theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất được lựa chọn là tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T và các phiên bản tiếp theo (tiêu chuẩn truyền hình số Châu Âu); áp dụng thống nhất tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh và âm thanh MPEG-4.

Kế hoạch số hóa truyền hình được thực hiện theo 4 giai đoạn với 4 nhóm tỉnh thành trên cả nước Cụ thể là:

Giai đoạn I: áp dụng với 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội (cũ), TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; dự kiến sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015.

Giai đoạn II: áp dụng với 26 tỉnh gồm Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang; dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2016.

Giai đoạn III: áp dụng với 18 tỉnh gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2018.

Giai đoạn IV: áp dụng với các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lawsk, Đắk Nông; dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2020.

Thái Khang

Nguồn: www.ictnews.vn/GetFiles

cho viettel, vnpt làm truyền hình cáp nhưng tránh độc quyền truyền dẫn

Mrha.jpg
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP HCM. Ảnh: Internet

Cho Viettel, VNPT làm truyền hình cáp nhưng tránh độc quyền truyền dẫn

ICTnews - Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng nên cho các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, nhưng có cơ chế bắt buộc họ phải cho các doanh nghiệp khác sử dụng chung cơ sở hạ tầng.

>> Hiệp hội Truyền hình trả tiền đòi 'cấm cửa' Viettel/ Hiệp hội Truyền hình trả tiền đang 'giữ gôn' cho VTV?/ Doanh nghiệp truyền hình trả tiền đòi 'ngăn sông, cấm chợ'

Mới đây, Hiệp hội Truyền hình trả tiền liên tiếp có văn bản đề nghị 'cấm cửa' các doanh nghiệp viễn thông tham gia dịch vụ truyền hình cáp. Lý lẽ của Hiệp hội này đưa ra để 'ngăn sông cấm chợ' là việc đầu tư của các doanh nghiệp viễn thông vào truyền hình cáp là đầu tư ngoài ngành, gây cạnh tranh không lành mạnh.  

Bình luận về vấn đề trên, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, các doanh nghiệp viễn thông đang có sẵn mạng truyền dẫn cáp quang, trên hạ tầng này có thể cung cấp dịch vụ viễn thông và truyền hình cáp. Vì vậy, nên cấp phép cho những doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT cung cấp dịch vụ truyền hình cáp để tận dụng thế mạnh hạ tầng. Tuy nhiên, phải có quy định bắt buộc các doanh nghiệp đó chia sẻ hạ tầng với các doanh nghiệp truyền hình cáp khác.

'Ví dụ, nếu các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạnh như Viettel khi tham gia thị trường truyền hình cáp mà không chịu chia sẻ hạ tầng thì có thể các nhà cung cấp dich vụ khác sẽ chết. Hiện nay, khoảng 80% khu vực nông thôn chưa có dịch vụ truyền hình cáp, trong khi đó Viettel và VNPT có hạ tầng nhưng không chia sẻ hạ tầng với các doanh nghiệp khác sẽ dẫn tới độc quyền rất nguy hiểm', ông Lê Mạnh Hà nói.

Theo ông Hà, sở dĩ các doanh nghiệp truyền hình trả tiền liên tiếp phản ứng khi thấy các doanh nghiệp viễn thông muốn nhảy vào thị trường truyền hình cáp vì lo ngại nguy cơ họ không thể tham gia vào thị trường do không có hạ tầng truyền dẫn. Vì vậy, các doanh nghiệp viễn thông nên để cho các doanh nghiệp khác có nội dung được sử dụng hạ tầng của mình một cách hiệu quả nhất, đừng ngăn cản họ góp mặt vào thị trường bằng cách không cho dùng chung hạ tầng.

'Trên một địa bàn thì chỉ nên có một hạ tầng truyền dẫn , không nên duy trì nhiều hạ tầng rất lãng phí. Nếu doanh nghiệp triển khai hạ tầng mới thì cần theo cơ chế đấu thầu để các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn, ở TP HCM thì SCTV và HTV gần như đầu tư trùng lắp 100% hạ tầng truyền dẫn. Nếu nay mai thêm một vài doanh nghiệp làm hạ tầng nữa thì càng thêm lãng phí. Như vậy, cần có quy định trên một địa bàn chỉ có một hạ tầng, nhưng bắt buộc các doanh nghiệp phải dùng chung để tránh độc quyền', ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Thái Khang

Nguồn: www.ictnews.vn/GetFiles

triều tiên lại cắt internet di động với khách du lịch

newsFDCTIA2011_610x426.jpg
Ảnh minh họa.

Triều Tiên lại cắt Internet di động với khách du lịch

ICTnews – Bản lưu ý trên website du lịch Triều Tiên cho biết khách quốc tế vẫn có thể mua SIM để thực hiện các cuộc gọi quốc tế song truy cập Internet di động bị hủy bỏ.

>> Những bức ảnh Instagram đầu tiên về Triều Tiên/  Khách nước ngoài đã được mang điện thoại vào Triều Tiên

Chưa đầy một tháng sau khi cho phép khách du lịch nước ngoài truy cập mạng 3G di động, Triều Tiên lại thông báo dừng kết nối Internet di động.

Hồi tháng 2/2013, quốc gia châu Á này tuyên bố sẽ sớm nới lỏng hạn chế về việc truy cập Internet di động của khách du lịch thay vì yêu cầu khách bỏ lại điện thoại ở biên giới hay sân bay trước khi vào nước này. Cư dân bản địa cũng được cho là có thể truy cập dịch vụ gọi, nhắn tin trên mạng 3G song không phải Internet di động.

Koryolink – nhà cung cấp 3G của chính phủ Triều Tiên – bắt đầu cung cấp dịch vụ từ 1/3, cho phép người ngoại quốc mang theo điện thoại WCDMA vào hoặc thuê điện thoại và mua thẻ SIM trong nước tại sân bay.

Tuy nhiên, trang North Korea Tech đưa tin một thông báo được đăng trên website Koryo Tours cho biết chương trình đã bị hủy bỏ. "Truy cập 3G không thực hiện được đối với khách du lịch tới Triều Tiên. Thẻ SIM vẫn có thể được mua để thực hiện cuộc gọi quốc tế song không thể truy cập Internet", website viết.

Trang web không nêu lí do vì sao chương trình bị hủy, tuy nhiên động thái xuất hiện đúng vào thời điểm căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, Mỹ đang lên cao. Gần đây, một cuộc tấn công mạng quy mô lớn dội thẳng vào Hàn Quốc, khiến nhiều ngân hàng, đài truyền hình tê liệt. Dù nhà chức trách Hàn Quốc lần theo dấu vết về địa chỉ IP đặt tại Trung Quốc, Triều Tiên vẫn là nghi can số một trong vụ việc lần này.

Du Lam

Theo Cnet

Nguồn: www.ictnews.vn/GetFiles

mobifone khuyến cáo thuê bao tránh dính cước roaming ở vùng biên

Hakhau.jpg
Nhiều khách du lịch và người lao động Việt Nam vẫn có thể sử dụng được sóng di động của VinaPhone, MobiFone, Viettel tại thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc.

MobiFone khuyến cáo thuê bao tránh 'dính' cước roaming ở vùng biên

ICTnews -  Ở các vùng giáp ranh biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia hay xảy ra hiện tượng chờm sóng nước láng giềng nên nếu thuê bao không để ý sẽ phát sinh cước quốc tế cho dù thuê bao đó vẫn đang ở trên lãnh thổ Việt Nam.

>> Lên PhanxiPang, cẩn thận "dính" cước roaming

Một số khách hàng của MobiFone phản ánh rằng khi họ đang đứng trên lãnh thổ Việt Nam, ngay sát vùng biên giới Việt Trung thì vẫn nhận được sóng của nhà mạng Trung Quốc. MobiFone cho biết, nguyên nhân của việc chờm sóng này là do các mạng phải phát sóng đủ mạnh để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Việc sóng di động của mạng Trung Quốc chờm vào lãnh thổ của Việt Nam cũng tương tự như sóng di động của MobiFone phát chờm sang lãnh thổ của Trung Quốc nên khi thuê bao MobiFone giao thương tại Trung Quốc gần khu vực biên giới Việt - Trung vẫn có thể sử dụng dịch vụ trên mạng MobiFone mà không phải dùng mạng Trung Quốc và bị tính cước chuyển vùng quốc tế.

MobiFone cho biết, theo quy định của Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA), khi khách hàng chuyển vùng vào mạng khách quốc tế khác với mạng chủ, mạng chủ phải gửi tin nhắn (welcome SMS) thông báo nhập mạng nước ngoài thành công.

Trường hợp thuê bao ở vùng biên giới, mặc dù đứng trên lãnh thổ Việt Nam nhưng do thiết bị của thuê bao nhập vào mạng Trung Quốc nên hệ thống hiểu là khách hàng đang ở Trung Quốc và gửi tin nhắn thông báo nhập mạng Trung Quốc cho khách hàng. Nội dung tin nhắn thông báo là thống nhất khi khách hàng nhập vào tất cả các mạng nước ngoài, bao gồm cả các nước có chung biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Vì vậy, các nhà mạng luôn luôn khuyến cáo khách hàng lưu ý khi sử dụng dịch vụ tại các vùng biên giới, có giao thoa sóng giữa các mạng di động quốc tế. Trong trường hợp này khách hàng chỉ cần chuyển máy điện thoại sang chế độ chọn mạng thủ công sẽ tránh được trường hợp phát sinh cước quốc tế ngoài ý muốn dù đang trên lãnh thổ Việt Nam.

Thực tế, việc phủ sóng chờm qua lãnh thổ nước bạn là khá phổ biến. Các thuê bao di động của Việt Nam vẫn có thể sử dụng dịch vụ của chính nhà mạng của Việt Nam khi vào sâu trong lãnh thổ nước bạn từ 10 -15 km. Thậm chí, với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì vùng phủ sóng có thể xa tới 80 km ở những điều kiện ít bị che chắn như ngoài biển.

Nhiều khách du lịch Việt Nam cho biết, tại thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc (giáp Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai) có rất nhiều cửa hàng bày bán SIM thẻ của các mạng di động của Việt Nam như Viettel, VinaPhone, MobiFone. Vì vậy, khách du lịch có thể mua SIM thẻ ở đây và sử dụng bình thường như đang trên lãnh thổ Việt Nam mà không bị phát sinh cước quốc tế. 

Trước đó, một số khách du lịch cũng phản ánh với ICTnews khi họ leo lên đỉnh Phan Xi Păng cũng nhận được tin nhắn thông báo kết nối mạng của China Unicom. 

NT

Nguồn: www.ictnews.vn/GetFiles

zalo liên thông với viber chỉ là tin cá tháng tư

av.jpg
Chưa có chuyện Zalo và Viber bắt tay với nhau
Zalo liên thông với Viber chỉ là tin cá tháng tư

ICTnews – Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG cho biết, hiện tại Zalo vẫn chưa liên thông tin nhắn với dịch vụ tin nhắn miễn phí của công ty nào cả.

>>Các 'đại gia' di động nên 'quên' chuyện cấm đoán ứng dụng OTT/ Sắp 'xóa sổ' dịch vụ SMS truyền thống?/Nhà mạng mất hàng nghìn tỷ đồng/năm vì ứng dụng OTT

Có thể nói cuộc chiến phần mềm nhắn tin miễn phí (OTT) tại Việt Nam đang như là một cuộc đại chiến khi có mặt sản phẩm của rất nhiều nước. Cụ thể, thị trường đang có các sản phẩm như Wechat đến từ Trung Quốc, Line và Kakaotalk đến từ Hàn Quốc, Viber đến từ Israel và WhatsApp đến từ Mỹ và hai sản phẩm của chủ nhà Việt Nam là Zalo và Wala…Chính vì thế, những thông tin liên quan đến sản phẩm này đang được rất nhiều người quan tâm.

 

tindon.jpg
Tin đồn trên mạng xã hội Facebook

Nắm được độ "hot" của thông tin từ các sản phẩm này, trong ngày cá tháng tư (ngày quốc tế nói dối), rất nhiều người đã tranh thủ tung ra các tin đồn trên các mạng xã hội để "câu cá" các bạn bè của mình. Trong đó, trên mạng xã hội Facebook đã phát đi thông tin rất "nóng sốt" đó là việc Zalo và Viber bắt tay với nhau để liên thông tin nhắn, bởi theo những tin mới nhất thì Viber sẽ chính thức vào Việt Nam trong tháng 4/2013 này.

Tuy nhiên, trao đổi với ICTnews qua điện thoại, ông Vương Quang Khải, Phó giám đốc VNG, người phụ trách khối sản phẩm Zing cho biết, sản phẩm Zalo của công ty hiện vẫn chưa liên thông tin nhắn với bất kỳ một công ty nào có cùng sản phẩm dạng này cả và thông tin đó hoàn toàn không chính xác. Những thông tin hợp tác của Zalo sẽ luôn được VNG cập nhật kịp thời trong người dùng nếu có trong thời gian tới.

Lê Mỹ

Nguồn: www.ictnews.vn/GetFiles

ả-rập xê-út: skype, whatsapp vi phạm luật viễn thông

skype calls on mobile.jpg
Ảnh minh họa.

Ả-Rập Xê-út: Skype, WhatsApp vi phạm luật viễn thông

ICTnews – Nhà chức trách Ả-Rập Xê-út thông báo một số công cụ liên lạc qua Internet như Skype và WhatsApp đã vi phạm luật viễn thông, hướng dẫn các nhà mạng nhanh chóng bảo đảm những dịch vụ này làm đúng quy định.

>> Skype có thể sẽ bị khép vào phạm tội hình sự tại Pháp

Thông báo từ Ủy ban Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CITC) Ả-Rập Xê-út được đưa ra sau khi một số tờ báo địa phương đưa tin Chính phủ nước này đề nghị các công ty viễn thông tìm cách quản lí hoặc chặn những dịch vụ kể trên.

"Rõ ràng một số ứng dụng liên lạc qua Internet không đáp ứng yêu cầu luật pháp", CITC phát biểu trên website. "Nhà chức trách đã thông báo tới các hãng viễn thông được cấp phép về yêu cầu hợp tác với những nhà phát triển các ứng dụng này để nhanh chóng đáp ứng được quy định".

Tuyên bố của CITC nhắc tới Skype, Viber cũng như dịch vụ nhắn tin nền Internet WhatsApp song không nói rõ các ứng dụng vi phạm luật nào và thời hạn bao lâu phải thực hiện theo quy định hay sẽ trừng phạt thế nào nếu không làm theo hướng dẫn.

CITC cho biết đang hành động để "bảo vệ xã hội khỏi bất kì khía cạnh tiêu cực nào có thể làm tổn hại tới lợi ích cộng đồng". Ba nhà mạng Saudi Telecom, Etihad Etisalat (Mobily) và Zain Saudi chưa sẵn sàng bình luận.

Dường như Ả-Rập Xê-út đang nỗ lực kiểm soát không gian Internet nhiều hơn khi lượng sử dụng điện thoại thông minh tăng vọt. Dữ liệu của CITC cho thấy tỉ lệ thâm nhập điện thoại di động là 188% vào cuối năm 2012. Ả-Rập Xê-út hiện có khoảng 15,8 triệu thuê bao Internet và theo YouTube, trung bình mỗi người dùng xem video trực tuyến mỗi ngày cao gấp 3 lần so với người dùng Mỹ.

Các nhà mạng viễn thông có thể chặn (block) nội dung và quyền truy cập vào một số trang web nhất định song điều này khó hơn nếu người dùng đã cài đặt ứng dụng trên thiết bị. Ví dụ, Skype và các nhà cung cấp dịch vụ VoIP ngoại quốc đang được sử dụng rộng rãi tại nước láng giềng Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE) bất chấp lệnh cấm chính thức tại đây. Người dân tải phần mềm qua mạng riêng ảo (VPN) hoặc khi đang đi du lịch. Sau khi được cài đặt, chúng vẫn có thể sử dụng bên trong UAE.

Du Lam

Theo Reuters

Nguồn: www.ictnews.vn/GetFiles

wechat bị chém ngay trên sân nhà

wechat.jpg

WeChat bị 'chém' ngay trên sân nhà

Người dùng của ứng dụng chat di động phổ biến này sẽ phải trả phí hàng tháng để thỏa mãn yêu sách của 3 nhà mạng lớn nhất Trung Quốc, Reuters cho biết.

>> Nhà mạng mất hàng nghìn tỷ đồng/năm vì ứng dụng OTT / Các 'đại gia' di động nên 'quên' chuyện cấm đoán ứng dụng OTT

Dẫn lời một quan chức chính phủ Trung Quốc hôm qua, truyền thông nước này cho biết WeChat, ứng dụng OTT (over the top) đông người dùng nhất Trung Quốc hiện nay sẽ bị 'siết' lại trong thời gian tới. Thuộc sở hữu của Tencent Holdings, WeChat đang phục vụ hơn 300 triệu người dùng và hoàn toàn miễn phí. Nó cho phép người dùng nhắn tin, gọi điện thoải mái thông qua kết nối Internet mà không phải trả một đồng cước di động nào cho nhà mạng.

Chính vì thế, ba nhà mạng China Mobile, China Unicom và China Telecom đều tuyên bố, doanh thu của họ đã bị sụt giảm nặng nề bởi sự lên ngôi của những ứng dụng như WeChat. Ba mạng này đang nghiên cứu phương án tính phí 'sử dụng ứng dụng' này với lý do WeChat ngốn quá nhiều băng thông dữ liệu mà lại không phát sinh doanh thu.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, cơ quan trực tiếp quản lý lĩnh vực viễn thông và Internet của nước này, cho biết đang cân nhắc tới khả năng xây dựng một mức phí thấp cho các nhà mạng áp dụng với những ứng dụng OTT kiểu này, Bộ trưởng Miao Wei cho hay.

Tất nhiên, việc bị thu phí, dù ít hay nhiều, cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ phổ cập của WeChat nói riêng và các ứng dụng OTT nói chung.

Gần đây, Tencent cho biết hãng có ý định đầu tư mạnh tay cho WeChat để thu hút nhiều người dùng nước ngoài hơn. Tại Việt Nam, WeChat cũng đã có thời kỳ khá nổi nhưng sau sự cố đường lưỡi bò, ứng dụng này đã bị cộng đồng Việt tẩy chay và thị phần sụt giảm thê thảm.

Không chỉ nghiên cứu áp dụng biểu phí, một số nguồn tin còn tiết lộ mạng China Mobile đang bí mật phát triển một ứng dụng chat di động riêng có tên Fetion để trực tiếp cạnh tranh với WeChat.

Theo Y Lam / VietnamNet

Nguồn: www.ictnews.vn/GetFiles

50% dân số anh tiếp cận đến mạng 4g

anh tin 2.jpg

50% dân số Anh tiếp cận đến mạng 4G

ICTnews - Nhà mạng lớn nhất của Anh EE vừa tuyên bố mở rộng mạng lưới 4G thêm 13 thành phố mới, đưa tổng số thành phố có dịch vụ mạng 4G ở Anh của EE lên 50 thành phố.

Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng, EE đã cung cấp mạng 4G cho 50 thành phố ở Anh. Giờ đây, một nửa dân số Anh đã có thể truy cập vào mạng 4G trên các thiết bị tương thích, như iPhone 5, Samsung Galaxy SIII LTE, iPad mini, Blackberry Z10, và HTC One….

"Với việc mở rộng mạng lưới 4G ra 50 thành phố, và với việc 50% dân số Anh được tiếp cận đến 4G, chúng tôi đang hoàn thành tốt và trước thời hạn kế hoạch phủ sóng 4G cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh", Olaf Swantee, Tổng giám đốc của EE nói. EE cho biết họ đặt mục tiêu sẽ có 70% dân số Anh có 4G vào cuối năm nay, và 98% dân số có 4G vào cuối năm 2014.

EE cũng nói họ hy vọng sẽ có 80 thành phố ở Anh có 4G vào cuối mùa hè này. Hiện nay, các nhà mạng khác ở Anh như Vodafone, O2 và Three chỉ mới bắt đầu triển khai dịch vụ 4G riêng.

Mạng di động 4G được tuyên bố là có tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh gấp 5 lần so với 3G.

Bảo Bình

Theo Techcrunch

Nội dung đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 39 ra ngày 1/4/2013

Nguồn: www.ictnews.vn/GetFiles